Phương pháp Kakeibo là cách tiết kiệm tiền hiệu quả của người Nhật . Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn cách tiết kiệm tiền bằng phương pháp này.
Phương pháp Kakeibo là gì?
Phương pháp Kakeibo trong tiếng Nhật có nghĩa là “sổ ghi chép chi tiêu tài chính”. Về cơ bản, Kakeibo là một quyển sổ “nhật ký chi tiêu”.
Phương pháp Kakeibo có nguồn gốc từ Nhật Bản và được ra mắt vào năm 1904 bởi nữ nhà báo Hani Motoko. Kể từ ngày được công bố, phương pháp Kakeibo đã được Nhật Bản và nhiều nơi trên thế giới ủng hộ.
Phương pháp Kakeibo khuyến khích chúng ta ghi chú trực tiếp vào sổ tay chứ không thông qua một ứng dụng hoặc trang web nào khác. Lý do là bởi vì việc ghi chép trực tiếp sẽ giúp mọi thông tin và kế hoạch được hiện ra một cách cụ thể và rõ ràng hơn.
Trong quyển sổ tay tài chính này, bạn có thể viết ra kế hoạch chi tiêu của bản thân và thậm chí là cả gia đình. Sổ tay giúp bạn dễ dàng kiểm soát ví tiền của mình.
Phương pháp Kakeibo hoạt động thế nào?
Kakeibo thực tế gồm 4 câu hỏi cho bản thân:
- Bạn đang có bao nhiêu tiền?
- Bạn muốn tiết kiệm bao nhiêu tiền trong tương lai?
- Bạn dự tính sẽ chi tiêu bao nhiêu tiền trong thời gian tới?
- Bạn có thể làm gì để giảm chi tiêu và tăng thu nhập?
4 câu hỏi của Kakeibo rất đơn giản nhưng ít ai chịu khó thực hiện. Hãy thực hiện phương pháp Kakeibo vào đầu mỗi tháng và sau đó kết thúc chúng vào cuối tháng.
Từ đây, bạn sẽ có một cái nhìn rõ ràng hơn về thu nhập và chi phí của mình. Cuối cùng, bạn cần đưa ra nhận xét để cải thiện tình hình tài chính của mình trong những tháng tiếp theo.
Phương pháp Kakeibo phù hợp với ai?
Phương pháp Kakeibo phù hợp mọi đối tượng nhờ sự đơn giản và linh hoạt. Kakeibo hứa hẹn sẽ giúp bạn dễ dàng tiết kiệm cho mình thật nhiều tiền một cách nhanh chóng. Đặc biệt, phương pháp Kakeibo rất phù hợp cho những ai nghiêm túc, kỷ luật và trung thực.
Cách tiết kiệm tiền bằng sổ Kakeibo
Việc quản lý tài chính với Kakeibo được thực hiện rất đơn giản. Tất cả những gì bạn cần là một cuốn sổ và một chiếc bút để theo dõi mọi khoản thu chi của mình. Lưu ý Kakeibo không đề cập đến ứng dụng công nghệ, nghĩa là việc ghi chép vào một cuốn sổ sẽ giúp bạn phản ánh, quan sát và kiểm soát thói quen chi tiêu của mình tốt hơn so với note vào máy tính.
1. Xác định số tiền đang có
Đây là nội dung của câu hỏi đầu tiên “Bạn đang có bao nhiêu tiền?”
- Liệt kê tất cả các khoản tiền mà bạn có: các nguồn thu nhập và khoản tiền người khác đang nợ bạn. Các khoản thu nhập trong tháng có thể bao gồm lương chính, lãi tiết kiệm, lãi chứng khoán,…
- Tiếp tục liệt kê tất cả các “chi phí cố định” mà bạn cần phải trả trong tháng: học phí, tiền nhà, nợ tín dụng,…
- Trừ 2 con số này với nhau để biết mỗi tháng bạn sẽ còn chính xác bao nhiêu tiền.
2. Xác định số tiền tiết kiệm mong muốn
Hãy tự trả lời câu hỏi: “Tôi muốn tiết kiệm bao nhiêu tiền trong tương lai?”. Sau đó, hãy trích một số tiền theo mong muốn của bạn để tiết kiệm. Điểm quan trọng là bạn phải cố gắng không sử dụng số tiền này cho bất kỳ mục đích nào. Số tiền ít hay nhiều tùy thuộc vào lựa chọn của bạn.
3. Xác định số tiền bạn sẽ chi tiêu
Sau khi trừ đi số tiền tiết kiệm ở bước 2, lúc này bạn hãy tiếp tục liệt kê các khoản chi cho các nhu cầu thường ngày của mình với số tiền còn lại.
- Sinh hoạt thiết yếu: các khoản chi liên quan đến cuộc sống hàng ngày của bạn như ăn uống, đi lại,…
- Có thể lựa chọn: là khoản chi linh hoạt, có thể có hoặc không như mua sắm quần áo,…
- Giải trí tinh thần: là khoản chi phục vụ nhu cầu tinh thần, giúp bạn thư giãn, hưởng thụ cuộc sống như xem phim, du lịch,…
- Quỹ chi khẩn cấp: là khoản chi đột xuất, bất ngờ liên quan đến ma chay, cưới hỏi.
Hãy chú ý đến bước này và liệt kê càng chi tiết càng tốt. Khi đó, bạn sẽ có số liệu chi tiết cho mọi nhu cầu tài chính của mình.
4. Tìm cách cải thiện và cam kết thực hiện nó
Sau khi làm bước 2 và bước 3, có thể bạn phát hiện số tiền còn lại ở bước 2 không đủ để chi trả các khoản chi cho bước 3. Vậy phải làm thế nào để cải thiện điều đó đây?
Câu trả lời là bạn hãy thay đổi thói quen chi tiêu của mình từ bây giờ và cam kết sẽ thực hiện nó đến cùng.
Bạn có thể cắt giảm bớt những khoản chi tiêu không cần thiết như mua sắm quần áo, hạn chế các buổi cà phê sang chảnh,…
5. Tổng kết và rút kinh nghiệm
Vào cuối tháng, bạn hãy nhìn lại quá trình chi tiêu của mình.
- Nó có đúng như kế hoạch bạn đã đề ra vào đầu tháng hay không?
- Bạn có tiết kiệm theo đúng mục tiêu đã thiết lập ở bước 2 không?
Sau khi so sánh quá trình chi tiêu thực tế và kế hoạch từ đầu tháng, bạn sẽ tìm ra những điều khiến khoản chi tiêu và tiết kiệm bị chênh lệch.
Tiếp đến, hãy rút ra kinh nghiệm bằng cách điều chỉnh các khoản chi trở nên hợp lý hơn trong những tháng tiếp theo.
Hy vọng bài viết này đã chia sẻ cho bạn cách tiết kiệm tiền với phương pháp Kakeibo.